Một số phương thức, thủ đoạn phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hà Nội

1. Tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy:

          Thuê người Việt Nam vận chuyển hoặc trực tiếp vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp, ma túy "đá"... từ Lào vào Việt Nam bằng đường bộ qua các cửa khẩu hoặc đường tiểu mạch biên giới các tỉnh Tây Bắc và miền Trung; vận chuyển ma túy tổng hợp, cần sa, cocain... từ châu Âu, châu Mỹ qua đường hàng không. Thủ đoạn cất giấu ma túy: ép mỏng, giấu trong vali 2 đáy, cất giấu, trà trộn trong các hàng hóa thông thường như giày dép, sách, thiết bị âm thanh điện tử, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc thực phẩm (nội tạng động vật).

          NNN sử dụng ma túy diễn ra chủ yếu tại các quán bar, vũ trường hoặc tại nơi tập trung đông NNN sinh sống như các khu chung cư, khu đô thị mới; có tình trạng một số nhóm gồm cả NNN và người Việt Nam tụ tập, thuê các khu resort hoặc homestay ven đô để tổ chức ăn uống, tiệc tùng và sử dụng trái phép ma túy.

          2. Tội phạm, vi phạm pháp luật công nghệ cao:

          2.1. Thuê người Việt Nam thành lập công ty vỏ bọc, thuê văn phòng, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật (máy tính, điện thoại...) tuyển dụng nhân viên là người Việt Nam để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi (lên đến 1.500%) thông qua ứng dụng vay tiền trên internet. Khi người vay không trả được nợ các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn "khủng bố" để đòi tiền (gọi điện đe dọa người thân, bạn bè, gửi ảnh con nợ hoặc người nhà con nợ đã cắt ghép, chỉnh sửa để bôi nhọ). Dòng tiền được chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng, công ty trung gian thanh toán hoặc rút tiền mặt rồi chuyển ra nước ngoài.

          2.2. Thuê người giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát gọi điện thông báo người dân có liên quan đến các vụ án nghiêm trọng (ma túy, rửa tiền...) kèm theo các quyết định bắt, khởi tố giả, yêu cầu bị hại chuyển tiền qua tài khoản phục vụ xác minh, yêu cầu bị hại cài đặt ứng dụng "BỘ CÔNG AN" và nhập thông tin tài khoản, mã OTP rồi chiếm đoạt tiền; giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử tuyển dụng cộng tác viên làm việc trực tuyến rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản; kêu gọi đầu tư qua sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số trên mạng internet; chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram... để lừa người thân, quen của chủ tài khoản chuyển tiền rồi chiếm đoạt; làm quen qua mạng xã hội rồi giả vờ tán tỉnh yêu đương, tặng quà có giá trị, sau đó yêu cầu đóng phí dịch vụ hải quan, thuế... để chiếm đoạt tài sản.

          2.3. Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, phương tiện điện tử của người khác để lấy cắp thông tin chủ tài khoản ATM; mua bán trên mạng Internet thông tin chủ tài khoản ATM bị đánh cắp; lắp đặt các thiết bị chuyên dụng gắn tại các cây ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu thẻ ngân hàng, mật khẩu của chủ thẻ, sau đó dùng thiết bị ghi thẻ từ và phần mềm đọc, in dữ liệu lên thẻ từ để làm thẻ giả rút tiền trực tiếp tại các cây ATM hoặc liên kết với một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thanh toán khống hàng hóa để rút tiền mặt.

          2.4. Các đối tượng nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc) thuê nhà rồi lắp đặt thiết bị giả mạo trạm phát sóng (BTS) của các nhà mạng viễn thông của Việt Nam hoặc thuê người Việt Nam chở thiết bị giả mạo trạm BTS trên xe ô tô di chuyển trên các tuyến phố để gửi tin nhắn có nội dung quảng cáo các website có nội dung cờ bạc, khiêu dâm, đồi trụy.... hoặc sử dụng các thiết bị GoIP (có các khe cắm sim điện thoại) có chức năng kết nối và chuyển cuộc gọi internet từ nước ngoài thành cuộc gọi thông thường đến điện thoại của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

          2.5. Đối tượng cầm đầu các hành vi phạm tội công nghệ cao (chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan) phần lớn thực hiện hành vi phạm tội bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các đối tượng thuê các chung cư cao tầng, tòa nhà khép kín tại các khu vực giáp biên giới Campuchia - Việt Nam, Campuchia - Thái Lan, tại Đài Loan, Myanmar, Philipines... sau đó thuê người Việt Nam, người các nước khác làm thuê, bị cưỡng bức lao động, khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoặc thực hiện hành vi giúp sức rửa tiền từ các nguồn hoạt động phạm tội mà có qua việc thành lập các công ty trung gian thanh toán, sử dụng các tài khoản rác, tài khoản ảo để thực hiện hành vi luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau tại nhiều ngân hàng khác nhau, sau đó mua bán tiền ảo, tiền USDT thông qua các ví điện tử trên các sàn giao dịch quốc tế.

Một số đối tượng khác (Trung Quốc, Hàn Quốc) thì lại thuê nhà ở tại các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng tại Việt Nam, bố trí nhiều máy tính để hoạt động tội phạm công nghệ cao. Các nhóm này thường có từ 03 đối tượng trở lên, trẻ tuổi, thông qua người Việt Nam thuê nhà sinh hoạt khép kín, ít ra khỏi nhà nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng và người dân xung quanh. Khi ra khỏi nhà các đối tượng thường đi cùng nhau, đặt mua nhiều đồ nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

          3. Trộm cắp tài sản

          - Một số đối tượng NNN trộm cắp chuyên nghiệp người Mông Cổ (thường đi thành nhóm từ 05 - 15 đối tượng) nhập cảnh Việt Nam với thị thực du lịch hoặc thị thực điện tử để trộm cắp tài sản. Thủ đoạn phổ biến: hàng ngày đến những nơi công cộng đông NNN tham quan, du lịch rồi lợi dụng sơ hở để trộm cắp thẻ ngân hàng; sau đó sử dụng để mua vàng, trang sức hoặc tài sản có giá trị lớn.

          - Các đối tượng Indonesia theo dõi người dân rút tiền từ ngân hàng rồi dùng thủ đoạn rải đinh phương tiện, gây mất chú ý để trộm cắp tiền.

          - Các đối tượng Trung Quốc đột nhập công sở, trường học để phá két sắt trộm cắp tài sản. Một số đối tượng lợi dụng NNN đi vắng (du lịch, nghỉ phép về nước) hoặc lợi dụng sở thích của NNN muốn có không gian sống thông thoáng nên hệ thống an ninh có sơ hở để đột nhập nhà trộm cắp tài sản.

          4. Lừa đảo tráo tiền

          Nhóm đối tượng NNN (Iran, Uzbekistan, Pakistan) thực hiện hành vi lừa đảo, tráo tiền trong quá trình giao dịch, mua bán. Các nhóm này thường có 02 - 03 đối tượng, thuê xe ô tô đi đến các cửa hàng tạp hóa khu vực ven đô giả vờ mua các mặt hàng ít giá trị nhưng đưa tiền mệnh giá lớn để được trả lại. Quá trình nhận tiền trả lại, các đối tượng đánh lạc hướng sự chú ý của chủ hàng, lấy lý do muốn nhận tiền mới để tiếp cận với nơi để tiền của cửa hàng và thực hiện hành vi tráo tiền, lấy trộm các tờ tiền có mệnh giá cao. Ngoài ra, các đối tượng giả vờ bị lạc đường, hỏng xe để tiếp cận người Việt Nam đề nghị được đổi ngoại tệ lấy tiền Việt Nam để sửa xe và chi tiêu. Quá trình đổi tiền, các đối tượng tỏ ý muốn lấy tiền mới và cầm lấy ví của bị hại để chọn tiền, sau đó các đối tượng đánh lạc hướng chú ý và lấy trộm các tờ tiền mệnh giá cao.

          5. Buôn lậu

          - NNN nhập cảnh mục đích du lịch nhưng ở lại Việt Nam để buôn bán, nhập lậu hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam sau đó thuê người Việt bán hàng, phân phối; cấu kết với các đối tượng trong nước để buôn lậu ô tô (chủ yếu từ Lào, Campuchia...) dưới hình thức tạm nhập, tái xuất.

          - NNN săn bắt, mua bán động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã ở nước ngoài (sừng tê, ngà voi, vây cá mập...) sau đó vận chuyển trái phép về Việt Nam bằng các thủ đoạn: làm giả giấy chứng nhận của cơ quan Cites; thông qua các dịch vụ chuyển phát, dịch vụ quà tặng (trong quá trình này các đối tượng khai sai tên hàng hóa nhập khẩu hoặc trà trộn vào các hàng hóa hợp pháp để nhập khẩu vào Việt Nam); móc nối, thuê người Việt Nam đi du lịch, tiếp viên hàng không làm đầu mối thu gom, vận chuyển trái phép..

          6. Trốn truy nã quốc tế

          NNN bị Interpol hoặc nước sở tại truy nã (chủ yếu Trung Quốc, Hàn Quốc) nhập cảnh Việt Nam để tìm nơi ẩn náu. Các đối tượng Trung Quốc thường lợi dụng đường mòn, lối mở khu vực biên giới để nhập cảnh trái phép; số đối tượng Hàn Quốc thường lợi dụng chính sách miễn thị thực để nhập cảnh hợp pháp nhưng sau đó không gia hạn được thị thực, tạm trú. NNN bị truy nã thường sống chui lủi nhờ vào bạn bè, cộng đồng tại các khu chung cư, đô thị mới; một số lao động trái phép cho đến khi bị bắt hoặc ra đầu thú.

          7. Hoạt động tôn giáo trái phép

          NNN nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử, miễn thị thực hoặc với các mục đích du lịch, làm việc, lao động, đầu tư nhưng tổ chức, tham gia tụng kinh, hành lễ, thuyết giảng về tôn giáo mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền tại một số cơ sở thờ tự hoặc khách sạn hoặc tư gia của người Việt Nam.

         

8. Hoạt động báo chí trái phép

          Phóng viên báo chí nước ngoài hoạt động báo chí khi chưa được cấp phép hoặc hoạt động không đúng địa bàn, lĩnh vực được cấp phép hoạt động báo chí.

          9. Vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, hoạt động của NNN 9.1. Vi phạm của NNN:

          - Nhập cảnh trái phép: Các đối tượng NNN (chủ yếu Trung Quốc) nhập cảnh trái phép Việt Nam qua đường mòn, lối mở, sông suối cạn tại khu vực biên giới, sau đó di chuyển bằng xe khách, ô tô thuê về Hà Nội. Mục đích chính là trốn truy nã; lợi dụng sự thông thoáng trong quản lý Internet, viễn thông của Việt Nam để hoạt động công nghệ cao phi pháp; trung chuyển để đi nước thứ ba. Tại Hà Nội, các đối tượng thường thông qua người Việt Nam thuê khách sạn, căn hộ chung cư, biệt thự tại các khu đô thị mới, khu chung cư để ở. Quá trình cư trú, NNN thường không ra ngoài hoặc đi về bất thường; có người Việt Nam đến mua giúp nhu yếu phẩm, phục vụ ăn uống; lắp đặt, sử dụng nhiều máy tính, thiết bị công nghệ; tiêu thụ điện, nước, cước Internet, viễn thông cao đột biến...

          - Quá hạn tạm trú, cư trú trái phép: NNN không đủ tiêu chuẩn xin giấy phép lao động hoặc trước đây thông qua công ty dịch vụ để được cấp thị thực, thẻ tạm trú nay không được giải quyết; NNN nhập cảnh trái phép rồi cư trú trái phép; NNN bị mất hộ chiếu nhưng không xin lại hoặc gặp khó khăn xin cấp lại (do không có sứ quán ở Việt Nam).... Các đối tượng này thường chỉ có bản chụp hoặc photo hộ chiếu (nhiều trường hợp sử dụng bản chụp hộ chiếu của người khác), trả lời vòng vo khi được yêu cầu xuất trình bản gốc hộ chiếu.

          - Hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh và lao động trái phép: NNN sử dụng thị thực du lịch, thị thực điện tử, miễn thị thực nhưng làm việc, lao động, học tập tại Việt Nam; NNN làm việc không có giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.

          9.2. Vi phạm của đơn vị bảo lãnh NNN, sử dụng lao động nước ngoài:

          - Bảo lãnh cho NNN nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng không quản lý để NNN hoạt động trái mục đích nhập cảnh, để NNN quá hạn tạm trú, cư trú trái phép; sử dụng NNN làm việc nhưng không xin cấp giấy phép lao động; hoạt động trên các lĩnh vực phải có giấy phép hoạt động nhưng không xin giấy phép.

          - Thành lập tổ chức, doanh nghiệp với mục đích làm dịch vụ bảo lãnh cho NNN để trục lợi nhưng thực tế không hoạt động, không treo tên biển hiệu hoặc chỉ treo tên biển hiệu làm bình phong mà không có hoạt động gì.

          - Tổ chức, doanh nghiệp chuyển trụ sở nhưng không làm thủ tục đăng ký thay đổi trụ sở; kinh doanh tại địa điểm không đăng ký địa điểm kinh doanh...

          9.3. Vi phạm của cơ sở lưu trú:

          - Không KBTT cho NNN hoặc khai báo không đầy đủ, không chính xác theo quy định (không KBTT bổ sung khi NNN thay đổi hạn tạm trú, số hộ chiếu; cho nhiều NNN tạm trú nhưng chỉ KBTT cho một số ít NNN; KBTT chỉ dựa vào danh sách NNN hoặc bản chụp, photo hộ chiếu của NNN).

          - Không thông báo cho cơ quan Công an khi NNN không có giấy tờ tùy thân hoặc có dấu hiệu nghi vẫn vi phạm pháp luật.

Mọi thông tin cần trao đổi, vui lòng liên hệ

đ/c Trương Quốc Nam – Phó trưởng CAP (theo SĐT: 0977.236688)

Thực hiện: 

Bộ phận VHTT

Nguồn: 

CÔNG AN PHƯỜNG DƯƠNG NỘI

Viết bình luận

Xem thêm tin tức