Tăng cường hiệu quả PCCC: Cần nâng cao ý thức tự giác của cộng đồng

Trong những ngày qua, chúng ta đau xót vì sự hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC trong vụ cháy tại Hà Nội. Đối mặt với biển lửa, ranh giới sống chết mong manh, song các chiến sĩ cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ vẫn luôn tâm niệm và đặt lên hàng đầu trách nhiệm cứu người, dập lửa.

 Một trong những yếu tố tiên quyết bảo đảm hiệu quả công tác phòng ngừa hỏa hoạn tại các khu dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, đó là tinh thần tự giác và ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của người dân.Đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn, dịch vụ giải trí và các hộ gia đình, mối hiểm họa từ “bà hỏa” thường không hẹn ngày giờ mà có thể “ghé thăm” bất cứ lúc nào. Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong sáu tháng đầu năm cả nước đã xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; về tài sản ước tính sơ bộ gây thiệt hại khoảng 414,73 tỷ đồng và 40,87 ha.

 Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ cháy, nổ là do ý thức chấp hành các quy định phòng cháy chữa cháy của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình chưa cao. Qua khảo sát một số cơ sở kinh doanh hàng quán trên địa bàn, phần lớn các cơ sở đều là nhà ở chuyển đổi mục đích. Đường điện thiết kế ban đầu dành cho gia đình, nay phải chịu tải nhiều thiết bị tiêu hao điện năng lớn cùng lúc như điều hòa, bếp điện, bếp điện từ... khiến dễ dẫn đến nguy cơ quá tải gây chập cháy.

 Theo đó, các đơn vị kinh doanh phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu... đảm bảo an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa và nguồn nhiệt đồng thời chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

 Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh, hàng quán phải niêm yết đủ nội quy về phòng cháy, chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Bố trí các phương án, giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh; trang bị và lắp đặt các đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn trên lối đi thoát nạn để đảm bảo khả năng định hướng trong môi trường thiếu ánh sáng, thiếu tầm nhìn của đám cháy.

Đối với các hộ gia đình, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện của từng tầng, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị), gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy; các phương tiện ôtô, xe máy,... để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, không để che chắn cửa ra vào.

Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả phòng chống cháy nổ, người dân không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng, trường hợp đã lắp thì phải có chốt trong, không được khóa và chuẩn bị sẵn thang, thang dây (có thể dùng nhiều chăn buộc lại) để thoát nạn khi có cháy xảy ra; nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra, trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng... để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; hướng dẫn mọi người trong gia đình cách sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị như bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc,...

Lực lượng chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên bố trí các đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn, cần chuẩn bị sẵn các dụng cụ phá vỡ để tạo lối thoát như búa, kéo cắt.../.

Thực hiện: 

Bộ phận VHTT phường

Viết bình luận

Xem thêm tin tức