Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. “Không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược. Trong những tháng, năm đầu của cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, đổ máu trên các chiến trường. Ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh liệt sĩ trở thành vấn đề lớn.
Trước yêu cầu đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh và gia đình tử sĩ, ngày 16/02/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Để chỉ đạo công tác thương binh tử sĩ trong cả nước, ngày 26/02/1947, Phòng thương binh thuộc Chính trị Cục, quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập. Đầu tháng 7/1947 Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” được thành lập. Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục quân đội Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh toàn quốc.
Chiều ngày 27/7/1947, “Ngày thương binh toàn quốc”, mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Tại cuộc mít tinh, các đại biểu đã nghe đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc. Trong thư Bác viết: “… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”, “… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”. Từ đó, hàng năm, đến ngày 27/7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1997), tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời của ngày Thương binh toàn quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành khu kỷ niệm 27/7 và dựng bia kỉ niệm với nội dung được khắc trên bia: “NƠI ĐÂY, NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 1947, 300 CÁN BỘ, BỘ ĐỘI VÀ ĐẠI DIỆN CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG HỌP MẶT NGHE CÔNG BỐ BỨC THƯ CỦA BÁC HỒ, GHI NHẬN SỰ RA ĐỜI CỦA NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ”./.
Viết bình luận