Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Cách đây 1/3 thế kỷ, tháng 8/1957, tại thành phố Vác-sa-va (Ba Lan), Hội nghị quốc tế về các nhà giáo đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Nghị quyết của Hội nghị đã được nhanh chóng được phổ biến đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lý giáo dục, giới học sinh, sinh viên của nước ta từ Bắc đến Nam. Một năm sau, ngày 20/11/1958, ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức trên miền Bắc nước ta.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20/11 hàng năm đã được tiến hành khắp cả nước. Mặc dù từ lâu thế giới không còn tổ chức ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo nữa nhưng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, ngày 20/11 trở thành một ngày đặc biệt dành riêng cho các thầy cô giáo
Từ đó, ngày 20/11 trở thành ngày tôn vinh những người làm nghề giáo, góp phần động viên, cổ vũ các thầy, cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước, là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy, các cô. Các em học sinh đã hưởng ứng ngày 20/11 hàng năm bằng những hoạt động tỏ lòng quý mến, biết ơn thầy giáo, cô giáo, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức. Các bậc cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền đoàn thể ở địa phương cũng nhân ngày này tổ chức thăm hỏi các giáo viên hoặc tổ chức trao đổi với các giáo viên về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
Ngày 20/11 xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền thống Nhà giáo Việt Nam.
Quyết định số 167 – HĐBT ngày 28/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20/11 từ nay làm ngày Nhà giáo Việt Nam dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20/11 đã qua, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các nhà giáo.
Đây là một quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng, của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung trong sự nghiệp trồng người. Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên khuyến khích các nhà giáo, ngày 30/5/1985 Chủ tịch Hội đồng nhà nước đã ký lệnh công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật… (trong đó có các sách giáo khoa cho các trường học) và pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông, giáo viên bổ túc văn hóa, giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp… có thành tích xuất sắc.
Mỗi năm, cứ đến ngày 20/11, các thế hệ thầy và trò người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc lại tưng bừng phấn khởi tổ chức các hoạt động chào mừng. Đây không chỉ đơn giản là một ngày lễ kỷ niệm mà đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, kính trọng và biết ơn những người thầy cô, những người lái đò ngày đêm miệt mài chèo lái con thuyền tri thức, chở đàn em thân yêu đến với những chân trời mơ ước.
Viết bình luận