Nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, đầu mối của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, Hà Đông có vị trí chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Cuối thế kỷ 19, sau khi thiết lập chế độ thuộc địa ở Việt Nam, xét thấy vị trí quan trọng của vùng đất này, năm 1896 Toàn quyền Đông Dương đã quyết định đặt trụ sở tỉnh Hà Nội tại làng Cầu Đơ. Năm 1902, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục ra Nghị định đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ và đến Nghị định ngày 06/12/1904, tỉnh Cầu Đơ đổi thành tỉnh Hà Đông, đô thị tỉnh lỵ của tỉnh cũng mang tên Hà Đông. Kể từ khi chính thức trở thành đơn vị hành chính và có tên riêng đến ngày 06/12/2022, Hà Đông vừa tròn 118 năm ngày thành lập.
Hơn 100 năm qua, Hà Đông luôn là thủ phủ của tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình, tỉnh Hà Tây tái lập và nay là một quận thuộc Thành phố Hà Nội, chịu tác động và ảnh hưởng trực tiếp của phong trào cách mạng ở Thủ đô Hà Nội. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, trước dã tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch, từ làng quê cách mạng Vạn Phúc “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Hà Đông đã cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên, cầm vũ khí bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, với quyết tâm và niềm tin vững chắc vào thắng lợi. Trải qua những năm tháng lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng bộ quận Hà Đông đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo và tổ chức cuộc kháng chiến của nhân dân, giành thắng lợi từng bước, tiến tới cùng quân và dân cả nước giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt.
Trước thất bại nặng nề của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến được ký kết tại Giơ-ne-vơ, Hà Đông nằm trong vùng tập kết quân đội của địch. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và dân Hà Đông đã đẩy mạnh nhiều hoạt động để chuẩn bị tiếp quản, nhất là công tác địch vận, đấu tranh làm thất bại âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép binh lính, viên chức, đồng bào di cư vào Nam, bảo vệ công sở, nhà máy không cho địch phá hoại, tháo dỡ. Đúng 9 giờ ngày 06/10/1954, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời khỏi Hà Đông, nhân dân xuống đường, tay cầm cờ hoa, chào mừng Ủy ban quân chính và cán bộ, bộ đội vào tiếp quản, Hà Đông được hoàn toàn giải phóng. Với thắng lợi 9 năm kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã góp phần cùng nhân dân cả nước đập tan âm mưu trở lại đô hộ đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng đất nước tiến lên CNXH.
Trong giai đoạn cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), quân và dân Hà Đông vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ xâm lược, vừa tích cực sản xuất xây dựng CNXH ở Miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Thực hiện khẩu hiệu hành động “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Hà Đông 8 năm liên tục (1965-1972) hoàn thành vượt mức nghĩa vụ lương thực thực phẩm, tuyển quân chi viện cho tiền tuyến. Riêng tuyển quân chi viện cho các chiến trường, năm cao nhất vượt 87%. Đã có hàng trăm lá đơn tình nguyện, trong đó có cả những lá đơn viết bằng máu, của tuổi trẻ Hà Đông xung phong nhập ngũ, nhiều gia đình có con độc nhất cũng tình nguyện cho con nhập ngũ. Với 39 đợt tuyển quân, đã có 6.170 (chiếm 11% dân số) thanh niên Hà Đông lên đường nhập ngũ.
Sau năm 1975 đất nước hoàn toàn được giải phóng, Hà Đông lại cùng với các địa phương khác trong tỉnh Hà Tây thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. Đặc biệt từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Hà Đông đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đời sống người dân ngày một cải thiện. Hà Đông ngày càng mang dáng vóc của đô thị hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Hà Tây trước đây.
Từ một thị xã nhỏ bé ngày đầu thành lập, lại bị tàn phá nặng nề sau hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến năm 2003 theo Nghị định 107/CP của Chính phủ, địa giới hành chính Hà Đông được mở rộng thêm 3 xã: Phú Lương, Phú Lãm (thuộc huyện Thanh Oai), xã Yên Nghĩa (thuộc huyện Hoài Đức). Năm 2006 thực hiện Nghị định số 01/2006, Hà Đông có thêm xã Dương Nội (thuộc huyện Hoài Đức), xã Biên Giang và Đồng Mai (thuộc huyện Thanh Oai). Ngày 27/12/2006 Chính phủ ra Nghị định số 155/CP/2006 thành lập Thành phố Hà Đông trực thuộc tỉnh Hà Tây. Từ ngày 01/8/2008 thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH Quốc hội khoá XII, Hà Đông được sáp nhập về thành phố Hà Nội, trở thành một quận của Thành phố với tổng diện tích 48 km2, dân số trên 23 vạn người.
Sau gần 15 năm sáp nhập về Hà Nội, cùng với sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Hà Đông rất nặng nề, tuy nhiên với sự đoàn kết, thống nhất, phấn đấu, nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn, Hà Đông đã đạt đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế Quận tăng trưởng khá, các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông nghiệp phát triển toàn diện. Hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động; thương mại - dịch vụ - du lịch tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân ổn định, ngày càng được cải thiện, nâng cao. Ngành giáo dục đào tạo Quận không ngừng được đầu tư phát triển, luôn đứng trong tốp đầu các quận, huyện, thị xã của ngành giáo dục Thủ đô.
Sự nghiệp văn hóa - thông tin, truyền thanh, TDTT phát triển sâu rộng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác y tế được quan tâm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Tình hình an ninh chính trị ổn định, quốc phòng được củng cố, tăng cường.
Tự hào với những kết quả đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, hướng tới kỷ niệm 118 năm ngày thành lập, 68 năm ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Hà Đông quyết tâm đoàn kết một lòng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", xây dựng quận Hà Đông văn minh giàu đẹp, đứng trong "top" đầu của thành phố Hà Nội.
Viết bình luận