KHÔNG BỎ “VŨ KHÍ” VACCINE

Thời gian gần đây, tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nhiều địa phương rất chậm, có tình trạng tồn đọng vaccine dẫn tới nguy cơ phải hủy bỏ vì quá hạn sử dụng.

Với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 đạt xấp xỉ 100%, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 tương ứng chỉ đạt 64,5% và 11,5%. Thực trạng này rất đáng lo ngại bởi không chỉ gây lãng phí lớn nếu hàng triệu liều vaccine quá hạn phải tiêu hủy, mà quan trọng hơn, còn khiến dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Hiện nay, cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã trở lại gần như bình thường, một trong những nguyên nhân chính là kết quả trong thực hiện chiến lược vaccine. Điều này khẳng định, "vũ khí" chiến lược trong phòng, chống dịch Covid-19 chính là vaccine. Nếu việc tiêm phòng vì lý do nào đó không được thực hiện tốt thì miễn dịch cộng đồng sẽ giảm dần và nguy cơ dịch Covid-19 lây lan rộng là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện, có thể khiến dịch Covid-19 gia tăng phức tạp trở lại. Tại Việt Nam, biến thể Omicron đang chiếm phần lớn, biến thể phụ BA.5 đã xâm nhập, nguy cơ dẫn đến số ca nhiễm tăng cao. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có tiêm vaccine tăng cường, tiêm mũi nhắc lại, nhất là với những nhóm người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết.

Các chuyên gia và nhiều địa phương đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng tiêm vaccine ngừa Covid-19 chậm là do tâm lý chủ quan của không ít người dân khi từ cuối tháng 3-2022 đến nay, dịch Covid-19 có xu hướng giảm mạnh, nhiều ngày không ghi nhận ca tử vong, cùng với đó, trong cộng đồng vẫn có một bộ phận lo ngại về tác dụng phụ của vaccine. Vì thế, có địa phương phát hàng trăm giấy mời nhưng chỉ vài chục người đến tiêm vaccine. Một số nơi đã phải áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vaccine phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh...

Có nhiều yếu tố tạo ra tâm lý chủ quan, trong đó quan trọng nhất là do công tác truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 thời gian gần đây chưa được thường xuyên, hiệu quả. Tiêm hay không tiêm vaccine ngừa Covid-19 là tự nguyện. Đã có thời kỳ, việc được tiêm vaccine trở thành vấn đề của xã hội. Do vậy, chỉ khi người dân thấy được sự cần thiết thì mới tự giác tham gia. Vì thế, để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trong thời gian tới, cần chú trọng công tác tuyên truyền nhằm cung cấp những thông tin khoa học, khách quan, chính xác về tình hình dịch Covid-19, về lợi ích của việc tiêm phòng, để người dân thấy rằng, hiện nay vaccine vẫn là “vũ khí” chiến lược trong cuộc chiến với dịch Covid-19.

Thực hiện: 

Bộ phận VHTT phường

Nguồn: 

Quê lụa Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức