HĐND phường Dương Nội tổ chức hội nghị quán triệt Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Chiều ngày 11/9, HĐND phường Dương Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân. 

Dự hội nghị có các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND phường; Chủ tịch, phó chủ tịch UBMTTQ phường; Trưởng, phó các đoàn thể phường; Đại biểu HĐND phường khóa XIX; Bí thư chi bộ, tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận các tổ dân phố.

Luật tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9, thông qua ngày 19/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 (gọi là Luật 2003). Luật gồm 8 chương và 143 điều, tăng 2 chương và 3 điều so với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Một trong những điểm mới của luật là phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền nhằm cụ thể hóa Điều 112 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, Luật năm 2015 đã quy định các nguyên tắc phân định thẩm quyền, các trường hợp phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa phương đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực. Luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, thị xã ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương như đối với địa bàn nông thôn, còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý và tổ chức đời sống dân cư đô thị... Một điểm mới đáng chú ý khác là luật đã bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND. Theo đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND có những nội dung mới. Trong đó, nổi bật là việc quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính. Cụ thể, đối với cấp tỉnh, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 5 Phó Chủ tịch UBND; các thành phố trực thuộc Trung ương còn lại và các tỉnh loại I có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II và loại III có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND. Đối với cấp huyện, loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND; loại II và loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND. Đối với cấp xã, loại I có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND, loại II và loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015. Luật này gồm 10 chương, với 98 điều. Theo đó, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Và so với luật hiện hành, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 có những điểm mới đáng lưu ý như sau: Điểm mới thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ và quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, luật mới đã quy định quyền này thuộc về Quốc hội. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4 của luật này có quy định như sau: Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Và luật cũng quy định rõ: Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Điểm mới thứ hai là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Đồng thời, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% là nữ. Cụ thể, tại Khoản 2 và 3, Điều 8 quy định rõ: Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, tại Khoản 2, Điều 9 nêu rõ: Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương; Điểm mới thứ ba cũng là điểm đáng được lưu ý và là điểm khác biệt hoàn toàn với luật hiện hành. Đó là những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Về vấn đề này, tại Khoản 5, Điều 29 có quy định như sau: Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc./.

Viết bình luận

Xem thêm tin tức