Thời gian gần đây, trên địa bàn quận Hà Đông thường xuyên xảy ra một số trường hợp bị đối tượng giả danh cán bộ Công an phường, Công an quận để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng này thường áp dụng như sau:
Đối tượng gọi điện thoại giả danh là cán bộ ở cơ quan cảnh sát điều tra công an thông báo cho người dân có liên quan đến vụ án mà đối tượng đang thụ lý giải quyết; hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng, yêu cầu nộp tiền vào tài khoản và cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu đăng nhập… cho đối tượng.
Đối tượng gọi điện thoại giả danh cán bộ công an (hoặc cơ quan nhà nước), lấy lý do hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản ứng dụng định danh điện tử VNeID, hoặc hướng dẫn thực hiện “dịch vụ công trực tuyến”, “thủ tục hành chính” của Ngành Công an, sau đó yêu cầu kết bạn, “chat” trực tuyến qua các ứng dụng như Zalo, Facebook, Messenger… và đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân; hướng dẫn người dân truy cập, cài đặt ứng dụng, đăng nhập đường “link lạ”… do đối tượng cung cấp.
Sau khi người dân cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản, mật khẩu đăng nhập, hoặc truy cập đường “link lạ”, cài đặt ứng dụng giả mạo do đối tượng cung cấp, ứng dụng giả mạo được cấp quyền truy cập ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP…) các đối tượng kiểm soát, chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng của người dân, sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tiền có trong tài khoản của người dân.
KHUYẾN CÁO
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: Số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết, kể cả người tự xưng là cán bộ cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng…), hoặc chưa rõ mục đích sử dụng.
Người dân không làm theo yêu cầu của người lạ liên lạc qua số điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng của mạng xã hội (Zalo, Facebook, Messenger…) gọi đến tự xưng là cán bộ công an (hoặc cơ quan chức năng) hướng dẫn cài đặt ứng dụng, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, các phần mềm ứng dụng, đường “link lạ”, hoặc yêu cầu chuyển tiền.
Cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội, khi cần làm việc cơ quan Công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông báo qua Công an địa phương (không gửi giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội). Cơ quan Công an không yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản nhằm bảo lãnh, để xác minh.
Người dân không truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các “phần mềm lạ”, từ các đường “link lạ”, từ kho ứng dụng không chính thống, không rõ nguồn gốc, những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng… Chỉ cài đặt ứng dụng (kể cả ứng dụng VNiED) từ nguồn chính thống trên App Store (cho điện thoại sử dụng Hệ điều hành IOS như Iphone) và CH Play (cho điện thoại sử dụng Hệ điều hành Androi) hoặc trực tiếp đến cơ quan chức năng nơi gần nhất, Công an xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn.
Luôn nghi ngờ, cảnh giác với mọi thông tin yêu cầu gửi đến cá nhân trên không gian mạng, nhất là với những thông tin mời chào tham gia đầu tư (chứng khoán, bất động sản…), làm việc tại nhà với “việc nhẹ, lương cao”…
Khi nhận được thông tin đề nghị chuyển tiền trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, Messenger…), kể cả của người thân, bạn bè… cần phải gọi điện thoại để xác minh lại thông tin trước khi chuyển tiền.
Trường hợp nghi vấn về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng… người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết. Dưới đây là danh sách SĐT Trực ban các đơn vị và Trưởng Công an các phường.
Viết bình luận