Cải cách hành chính, trước hết phải tiếp tục thay đổi tư duy và thái độ phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức thì người dân mới bớt đi phiền hà.
Nhìn vào những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính của Việt Nam năm 2024, có thể thấy chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Từ việc đẩy mạnh cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy đến nỗ lực tăng cường chính phủ điện tử, chính phủ số, tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, thân thiện, phục vụ nhân dân.
Thực tế cho thấy, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm qua khá ấn tượng: 29 luật, 182 nghị định, và hàng trăm thông tư, thể hiện cam kết của chính quyền trung ương trong việc gỡ bỏ những “rào cản” thể chế.
Không thể phủ nhận, những chủ trương quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là việc xác định cải cách hành chính là một trong những trọng tâm điều hành, đã đưa quá trình này đi vào chiều sâu.
Điểm sáng chính là cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy mà Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - tại Phiên họp thứ 9, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chiều ngày 15.1 - đã đánh giá rất cao về tính lan tỏa.
Sự nhìn nhận thẳng thắn, đầy trách nhiệm của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về những “tồn tại, hạn chế” cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các cấp, các ngành.
Phó Thủ tướng chỉ rõ "vẫn còn gây phiền lòng cho người dân", cho thấy mặc dù đạt được nhiều kết quả, công cuộc cải cách hành chính vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của xã hội. Không ít người dân, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ công; các thủ tục rườm rà, chồng chéo vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực.
Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải nhìn sâu hơn vào chất lượng của cải cách chứ không chỉ nhìn vào số lượng văn bản đã ban hành. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, và đánh giá công tác cải cách hành chính ở địa phương. Mỗi cơ quan hành chính phải là một “mắt xích” quan trọng, chịu trách nhiệm trực tiếp trước lãnh đạo cấp trên và nhân dân về cải cách.
Đích đến của cải cách hành chính là mang lại sự tiện lợi và hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Muốn vậy, không chỉ tinh gọn bộ máy, ban hành cơ chế, mà còn phải thay đổi tư duy và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tinh thần “phục vụ” phải thấm nhuần và hiện hữu trong từng thao tác, hành động.
Hành trình cải cách hành chính còn dài, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, dũng cảm nhìn nhận hạn chế và tìm tòi giải pháp đột phá.
Để người dân không còn phiền lòng vì thủ tục rườm rà, chồng chéo, cần nhanh chóng khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, biến chính quyền các cấp thành “chính quyền phục vụ” đúng nghĩa.
Có như vậy, công cuộc cải cách hành chính mới thực sự đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho một Việt Nam phát triển giàu mạnh và hiện đại.
Viết bình luận